ỐC TAI ĐIỆN TỬ – TỔNG QUAN VÀ QUY TRÌNH

Cấy ghép ốc tai điện tử

Cấy ghép ốc tai điện tử

Cơ chế nghe ở người bình thường

Ở người bình thường, cơ chế nghe sẽ diễn ra như sau:

  • Vành tai thu nhận âm thanh đưa vào ống tai và đưa vào màng nhĩ.
  • Màng nhĩ bị tác động rung lên; làm chuyển động chuỗi xương con (bao gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp) ở tai giữa.
  • Chuỗi xương này dao động và tác động vào vùng ốc tai ở tai trong.
  • Chất dịch lỏng trong ốc tai kích thích các tế bào lông chuyển động chuyển hóa tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện; truyền tới dây thần kinh thính giác và đưa lên não.

Đối với những người bị nghe kém thì quá trình này sẽ không được diễn ra như bình thường do bị tổn thương tai.

Tùy trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định đeo máy trợ thính hay cấy ghép ốc tai điện tử.

Vậy cấy ghép ốc tai điện tử là gì?

Cấy ghép ốc tai điện tử là phương pháp đưa một thiết bị điện tử có điện cực luồn vào trong ốc tai để thay thế nhiệm vụ của các tế bào lông; tạo ra các xung điện truyền lên não, giúp cho bệnh nhân nghe được.

Cấu tạo gồm 2 phần: Thiết bị cấy bên trong (thay thế tai trong) và xử lý âm thanh (thay thế tai ngoài và tai giữa) đeo bên ngoài. Chúng kết nối với nhau bởi nam châm đặt dưới lớp da đầu.

Cấu tạo hệ thống ốc tai điện tử

Cấu tạo hệ thống ốc tai điện tử

Phân loại ốc tai điện tử :

  • Loại đơn kênh hoặc đa kênh (do số lượng kênh được kích thích)
  • Loại đơn cực hoặc đa cực (do dạng điện cực)
  • Loại ngoài ốc tai hoặc trong ốc tai (do vị trí đặt)

Hiện nay trên thị trường có 2 dạng điện cực: vòng và thẳng. Việc cho ra đời sản phẩm như thế nào tùy thuộc vào triết lý sản xuất từng hãng. Nghiên cứu cho thấy chúng đều đem lại tác dụng giống nhau. Ngoài ra với ốc tai điện tử dị dạng sẽ có thiết kế điện cực riêng, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được bác sĩ tư vấn và lựa chọn phù hợp nhất.

Cơ chế hoạt động của hệ thống cấy ghép ốc tai điện tử:

Bộ đeo bên ngoài khi nhận được tín hiệu âm thanh sẽ chuyển vào bộ cấy thông qua nam châm. Bộ cấy có chứa các điện cực sẽ chuyển chúng thành các xung điện. Những xung điện này sẽ được truyền đến và kích thích dây thần kinh ốc tai. Các dây thần kinh sẽ tiếp tục truyền các xung điện đến não, giúp người sử dụng nghe được các âm thanh.

Âm thanh được truyền đến não bộ bằng cách này không giống như âm thanh bình thường. Do đó, người sử dụng sẽ cần trị liệu ngôn ngữ để có thể hiểu các âm thanh này.

Chỉ định cấy ghép ốc tai điện tử

Cấy ghép ốc tai điện tử sẽ được tiến hành khi:

  • Bệnh nhân ≥ 12 tháng.
  • Mất thính lực nặng – sâu ở cả hai tai.
  • Đeo máy trợ thính không hiệu quả.
  • Không có các vấn đề y tế làm tăng rủi ro phẫu thuật

Ví dụ như:

  • Bệnh lý ở tai giữa : Viêm tai xương chũm, viêm tai giữa chưa hồi phục,..
  • Bất thường, dị dạng tai trong: Cốt hóa ốc tai, ốc tai không đủ 2.5 vòng; dây thần kinh thính giác không có hoặc mảnh,….

ỐC TAI ĐIỆN TỬ - TỔNG QUAN VÀ QUY TRÌNH

Một số ví dụ về ốc tai dị dạng

  • Các bệnh lý liên quan như: Tự kỷ, tăng động giảm chú ý, trầm cảm,….Khi trẻ bị kèm thêm những tật đó thì cấy ghép vẫn sẽ nghe được tuy nhiên việc học nói sẽ gặp khó khăn

Gia đình sẽ được giải thích kỹ trước khi quyết định có cấy ghép ốc tai điện tử cho trẻ trong tình huống đó hay không.

Quy trình cấy ghép ốc tai điện tử

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần làm như:

  • Đo các phép đo đánh giá thính giác.
  • Chụp phim cộng hưởng từ MRI và CT tai: Kiểm tra xem cấu trúc ốc tai và dây thần kinh thính giác có bình thường không. Điều này rất quan trọng vì đây là yếu tố quyết định khi cấy xong có nghe được hay không. Ngoài ra xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện thêm những bất thường ở tai giữa như viêm tai xương chũm,…
  • Đánh giá test tâm lý; tự kỷ; tăng động giảm chú ý (đối với trẻ nhỏ) tìm ra những yếu tố liên quan có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cấy ốc tai điện tử.

ỐC TAI ĐIỆN TỬ - TỔNG QUAN VÀ QUY TRÌNH

Đánh giá tâm lý với chuyên gia

  • Tiêm phòng: Vaccin cần tiêm là viêm màng não mô cầu (AC hoặc BC), phế cầu (Synflorix) phòng những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
  • Các xét nghiệm khác như: xét nghiệm máu, chụp X-Quang….

Quá trình phẫu thuật thường được tiến hành như sau:

Trước khi phẫu thuật bác sĩ sẽ giải thích về quá trình cũng như những rủi ro để bạn biết.

  • Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được gây mê toàn thân.
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường sau tai và tạo một vết lõm trên xương chũm
  • Bác sĩ tiếp tục dùng mũi khoan tìm đường vào cửa sổ tròn và luồn dãy điện cực vào ốc tai.

Điện cực được luồn vào ốc tai

Điện cực được luồn vào ốc tai

  • Phần giường bộ cấy và nam châm được đặt trên bề mặt xương sọ, bên dưới lớp da. Khi đã cố định phần bộ cấy sẽ được khâu kín da lại.
  • Thời gian diễn ra phẫu thuật khoảng 2-4 tiếng.
  • Sau khi phẫu thuật hoàn tất, bạn sẽ được chuyển đến phòng hậu phẫu. Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi để kiểm soát các tác dụng phụ (nếu có) từ ca phẫu thuật. Thông thường, bạn sẽ được xuất viện sau khoảng 3-7 ngày.
  • Trước khi xuất viện, bạn sẽ được chụp X-Quang để kiểm tra dãy điện cực. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc vết mổ tại nhà và hẹn lịch quay lại kiểm tra.
  • Khoảng 1 tháng sau phẫu thuật, khi bộ cấy đã ổn định, cũng là thời gian bật thiết bị đeo ngoài. Chuyên gia thính giác sẽ kích thích các kênh phân bố theo vùng tần số âm thanh để bạn nghe được từ nhỏ đến to.

ỐC TAI ĐIỆN TỬ - TỔNG QUAN VÀ QUY TRÌNH

Bệnh nhân được bật máy đeo ngoài sau khoảng 1 tháng

  • Quá trình chỉnh máy sẽ diễn ra trong khoảng 3-6th (định kỳ 1 tháng/1 lần) tới khi sức nghe của bạn ổn định.

Song song với việc chỉnh máy, bạn cũng cần tham gia trị liệu ngôn ngữ với giáo viên (đối với trẻ nhỏ). Việc này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình học nói và hòa nhập cộng đồng. Quá trình trị liệu diễn ra 6th – 1 năm hoặc lâu hơn

Ưu nhược điểm của phương pháp cấy ốc tai điện tử

Cấy ghép ốc tai điện tử là lựa chọn tốt và hoàn hảo nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên như các thiết bị y tế khác cấy ghép ốc tai điện tử cũng có ưu và nhược điểm nhất định.

Ưu điểm:

Cấy ghép ốc tai điện tử có thể giúp người sử dụng:

  • Nghe được những âm thanh khó mà máy trợ thính không thể hỗ trợ được một cách rõ ràng nhất.
  • Sức nghe trở về như người bình thường.
  • Thiết bị cấy ghép được thiết kế sẽ theo vĩnh viễn suốt cuộc đời
  • Đối với trẻ nhỏ, thiết bị này có thể giúp các bé học nói nhanh và tốt hơn.

Nhược điểm

  • Chi phí cao.
  • Phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử tuy là một ca phẫu thuật an toàn tuy nhiên nó vẫn có thể mang đến một số rủi ro tiềm tàng như: Chảy máu, sưng tai, ù tai, nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật, liệt cơ mặt, thay đổi  khẩu vị, viêm màng não,…
  • Có nguy cơ phải phẫu thuật để thay thế bộ cấy do tai nạn, va đập dẫn đến hỏng.

Rủi ro của việc phẫu thuật thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc cấy ghép ốc tai điện tử cũng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của bác sĩ phẫu thuật.

Hiện nay trên thị trường có 4 hãng nghiên cứu và sản xuất ốc tai điện tử đó là: COCHLEAR (ÚC), AB – ADVANCE BIONICS (THỤY SỸ), MED-EL (ÁO), OTICON. Mức giá dao động khoảng từ 400 – 800 triệu đồng/ 1 tai.

Xem thêm tại https://thietbitrothinh.net/?p=1919&preview=true

Previous articleĐIẾC BẨM SINH & TRẺ BỊ ĐIẾC THƯỜNG CÂM?
Next articleCHĂM SÓC VÀ BẢO QUẢN MÁY TRỢ THÍNH