Site icon Thiết bị trợ thính

THỦNG MÀNG NHĨ

THỦNG MÀNG NHĨ
hình ảnh màng nhĩ bình thường và thủng màng nhĩ

Màng nhĩ là lớp mô mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa, chịu trách nhiệm cảm nhận rung động của sóng âm và chuyển đổi chúng thành các xung thần kinh truyền tải âm thanh đến não. Nhờ đó, bạn có thể nghe thấy âm thanh.

Cũng chính vì vậy, thính lực của một người có thể suy giảm đáng kể nếu lớp mô này bị rách, dẫn đến tình trạng thủng màng nhĩ.

Thủng màng nhĩ là gì?

Thuật ngữ thủng màng nhĩ thường dùng để mô tả sự hiện diện của vết rách (lỗ hổng) trên lớp mô mỏng ngăn cách tai ngoài và tai trong. Tình trạng này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực và gây khó chịu do ù tai. Ngoài ra, rủi ro nhiễm trùng tai giữa cũng tăng lên khi bạn bị thủng màng nhĩ.

Phần lớn trường hợp, tình trạng tổn thương này có thể tự lành trong vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh vẫn cần sự trợ giúp từ bác sĩ để “vá” lại lỗ hổng ở màng nhĩ.

Đâu là nguyên nhân gây thủng màng nhĩ?

Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là:

Nhiễm trùng tai

Nhiễm trùng tai nặng hoặc nhiễm trùng nhẹ nhưng tái phát liên tục đều có khả năng gây thủng màng nhĩ. Sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh tại đây sẽ làm tích tụ dịch (mủ) ở tai giữa, lâu ngày tạo thành áp lực gây rách lớp mô mỏng này.

Chấn thương vật lý ở đầu hoặc tai

Thực tế, ít người biết rằng màng nhĩ mỏng đến mức có thể bị tổn thương dẫn đến thủng do ảnh hưởng từ chấn thương vật lý ở tai hoặc đầu. Nếu nghiêm trọng, tai trong và tai giữa cũng sẽ bị liên lụy.

Dị vật trong tai

Những vật nhọn và nhỏ như dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại, bút chì, kẹp tăm, bi ve… có thể làm rách màng nhĩ khi bạn đưa vào tai. Nguyên nhân này thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

Chấn thương âm thanh

Một vụ nổ hoặc tiếng ồn xảy ra gần tai có thể gây áp lực làm thủng màng nhĩ. Nhạc sĩ và những người có thói quen nghe nhạc với âm lượng lớn rất dễ gặp phải vấn đề gây chấn thương tai này.

Chấn thương khí áp

Đôi khi, chênh lệch áp suất giữa môi trường trong và ngoài tai cũng có khả năng gây thủng màng nhĩ. Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn đi máy bay hoặc lặn.

Nhận biết triệu chứng và dấu hiệu thủng màng nhĩ

 

Một người bị thủng màng nhĩ có thể gặp phải những triệu chứng sau, bao gồm:

  • Đau tai dữ dội
  • Bên tai ảnh hưởng sẽ tạm thời suy giảm thính lực
  • Chảy máu tai
  • Ù tai
  • Cảm giác nghẹt tai
  • Chóng mặt, giữ thăng bằng kém
  • Buồn nôn
  • Có âm thanh lạ khi xì mũi

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thủng màng nhĩ có nguy hiểm không?

Lỗ hổng trên lớp mô ngăn cách tai ngoài và tai trong có thể tự liền lại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn sau 3 – 6 tháng, bạn có nguy cơ phải đối mặt với một số vấn đề như:

  • Mất thính lực hoàn toàn: mức độ suy giảm thính lực phụ thuộc vào kích thước và vị trí vết rách trên màng nhĩ. Nếu lỗ hổng này không được vá lại, người bệnh sẽ bị điếc vĩnh viễn.
  • Hình thành khối u ở tai giữa (cholesteatoma): mặc dù rất hiếm xảy ra như sự hiện diện của u nang này sẽ cung cấp môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây tổn thương xương tai giữa

Khi nào bạn nên tìm gặp bác sĩ?

Chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ ngay từ đầu có thể giúp ngăn chặn những vấn đề trên phát sinh. Do đó, nếu bạn bắt gặp những dấu hiệu thủng màng nhĩ như trên, hãy lập tức tìm đến bác sĩ để được điều trị hiệu quả. Cơ địa của mỗi người không giống nhau. Do đó, đừng quên tham vấn cùng các chuyên gia để tìm ra phương án giải quyết phù hợp nhất nhé.

Những thủ thuật dùng trong chẩn đoán thủng màng nhĩ

 

Để xác định một người có bị thủng màng nhĩ hay không, bác sĩ sẽ tiến hành một số thủ thuật, xét nghiệm sau, bao gồm:

  • Phân tích mẫu dịch từ tai, thông qua đó tìm kiếm triệu chứng nhiễm trùng
  • Sử dụng thiết bị chiếu sáng chuyên dụng để tìm kiếm vết rách trên màng nhĩ
  • Kiểm tra thính lực
  • Đo màng nhĩ (tympanometry) với mục đích kiểm tra phản ứng của màng nhĩ trước sự thay đổi áp suất

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác nhằm hỗ trợ cho việc điều trị thủng màng nhĩ sau này.

Thủng màng nhĩ có chữa được không?

Thực tế, màng nhĩ bị rách có thể tự lành trong vài tuần hoặc vài tháng. Vì vậy, những biện pháp điều trị trong trường hợp này chủ yếu tập trung vào:

  • Giảm đau: bạn có thể làm dịu cơn đau do thủng màng nhĩ gây ra bằng thuốc hoặc dùng miếng gạc khô, ấm áp lên tai vài lần trong ngày. Lưu ý việc uống thuốc giảm đau cần được thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gặp tác dụng phụ ngoài ý muốn.
  • Loại bỏ tình trạng nhiễm trùng:thuốc kháng sinh có thể loại bỏ sự tồn tại của vi khuẩn làm rách màng nhĩ. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và thể trạng của bạn mà bác sĩ có thể kê toa thuốc dạng uống hoặc nhỏ tai.

Phẫu thuật vá màng nhĩ

Nếu lỗ hổng trên màng nhĩ không tự lành, bạn có thể cần đến giải pháp phẫu thuật vá màng nhĩ. Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy mô từ bộ phận khác trên cơ thể để ghép vào vết rách này.

Hỗ trợ điều trị thủng màng nhĩ bằng một số biện pháp khắc phục tại nhà

Dù bạn có trải qua phẫu thuật hay không, áp dụng các biện pháp dưới đây sẽ giúp thúc đẩy quá trình bình phục của màng nhĩ, từ đó rút ngắn thời gian khôi phục thính giác. Những biện pháp này thường gồm:

  • Hạn chế xì mũi, vì động tác xì mũi vô tình gây áp lực tác động đến màng nhĩ, có thể gây đau khó chịu và cản trở lớp mô mỏng này bình phục
  • Sử dụng nút bịt tai hoặc đồ bảo vệ tai khi bạn tắm hoặc làm việc ở những nơi có tiếng ồn lớn
  • Luôn giữ tai khô ráo, tránh nhiễm trùng tái phát

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ tai nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Nguyên nhân là do dung dịch nhỏ tai có thể trực tiếp đi vào sâu bên trong tai thông qua vết rách trên màng nhĩ, từ đó gây thêm nhiều vấn đề phức tạp hơn.

Phòng ngừa thủng màng nhĩ

Bạn có thể ngăn chặn tình trạng thủng màng nhĩ xảy ra bằng cách áp dụng các quy tắc sau, bao gồm:

Điều trị nhiễm trùng tai hiệu quả ngay từ đầu

Tìm kiếm giải pháp chữa trị hiệu quả dành cho vấn đề tai bị nhiễm trùng là điều cần thiết để ngăn ngừa rủi ro thủng màng nhĩ. Để làm được điều này, bạn cần nhận biết những dấu hiệu đặc trưng như đau tai, sốt, nghẹt mũi và giảm thính lực. Ngoài ra, trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tai sẽ có xu hướng khóc quấy và biếng ăn.

Bảo vệ tai khi đi máy bay

Nếu bạn đang bị cảm lạnh hoặc dị ứng dẫn đến cảm giác nghẹt mũi hoặc tai, hãy hạn chế đi máy bay. Ngoài ra, khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, bạn có thể bảo vệ tai trước sự thay đổi áp suất này bằng cách:

  • Đeo nút bảo vệ
  • Ngáp
  • Nhai kẹo cao su (sing gum)

Tránh đưa dị vật vào tai

Những vật dụng dùng để lấy ráy tai như tăm bông, dụng cụ kim loại… đôi khi có thể vô tình làm tổn thương màng nhĩ. Vì vậy, bạn nên hạn chế sử dụng chúng hoặc nếu dùng, hãy hết sức cẩn thận.

Mặt khác, bạn cũng đừng quên dạy trẻ nhỏ không bỏ những dị vật nhỏ như đồ chơi, bi ve… vào tai, mũi hoặc miệng nhé.

 

Exit mobile version